Ngành Quản lý hoạt động bay (Air Traffic Management) là ngành học đào tạo ra những Kỹ sư chuyên ngành Quản lý hoạt động bay và những Kiểm soát viên không lưu tương lai. Kiểm soát viên không lưu là nhân viên thuộc Công ty Quản lý bay, sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay, đảm bảo “an toàn, điều hòa, hiệu quả” cho hoạt động bay của các tàu bay từ sân đỗ, cất cánh cho đến khi hạ cánh theo các phương pháp và chính sách, quy định đã ban hành phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và của Hàng không dân dụng Việt Nam, đưa ra những huấn lệnh, chỉ dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết cho tàu bay trong tất cả các giai đoạn bay.
Mục tiêu đào tạo ngành học là giúp sinh viên có khả năng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho ngành Hàng không; đào tạo sinh viên biết về quản lý và điều hành được các chuyến bay; có đủ trình độ và năng lực làm việc tại nhiều vị trí khác nhau không chỉ riêng Kiểm soát không lưu như làm việc tại phòng thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của trung tâm Quản lý bay, đại diện của các Hãng hàng không, các Cảng hàng không, sân bay, các cơ quan quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng… Sinh viên theo học ngành Quản lý hoạt động bay sẽ được học tập và rèn luyện để trở thành một nhân viên có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ cũng như các kiến thức chuyên môn, điều hành, đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả cho hoạt động bay. Đây cũng chính là nhân lực tiềm năng và nòng cốt góp phần định hướng cho sự phát triển của lực lượng ngành Không lưu nói riêng và ngành Hàng không dân dụng trong tương lai nói chung.
Đối tượng người học: Tốt nghiệp Trung học phổ thông (hoặc tương đương)
Điều kiện xét tuyển: Đáp ứng các điều kiện tham gia tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) và các điều kiện quy định trong Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2023 của trường
Chuẩn đầu ra:
- Đáp ứng đầy đủ CĐR về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực theo của ngành
- Trình độ ngoại ngữ Anh văn: Tối thiểu IELTS 5.5 hoặc các chứng chỉ tương đương được công nhận (không sử dụng chứng chỉ TOEIC) và Tin học: đạt chứng chỉ Ứng dụng CNTT nâng cao theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT hoặc tương đương
Cấu trúc chương trình: 150 tín chỉ (không bao gồm GDTC, GDQP) – 5 năm
Cơ hội việc làm: Hiện nay, nhu cầu nhân lực cho ngành Quản lý hoạt động bay tại các sân bay quốc tế cũng như các sân bay nội địa tương đối lớn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau, bạn có thể đảm nhận các công việc như:
- Vị trí như kiểm soát không lưu, thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của Trung tâm Quản lý bay…
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề có liên quan đến hàng không; – Nhân viên thủ tục bay; Nhân viên thông báo, hợp đồng bay;
- Kiểm soát viên mặt đất tại sân bay; – Kiểm soát viên không lưu tại sân bay; – Kiểm soát viên không lưu tiếp cận ra-đa, không ra-đa; Kiểm soát viên không lưu đường dài ra-đa, không ra-đa;
- Kíp trưởng không lưu;
- Huấn luyện viên không lưu;
- Nhân viên đánh tín hiệu.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang đặt nhiều hi vọng vào thế hệ trẻ có năng lực, yêu thích và muốn theo đuổi sự nghiệp với nghề Kiểm soát không lưu. Với cơ hội nghề nghiệp tại đây, bạn sẽ được tiếp cận với:
- Điều kiện làm việc thuận lợi;
- Môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp: Với hệ thống trang thiết bị hiện đại được cung cấp bởi các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Trung tâm kiểm soát Không lưu Hà Nội được đánh giá là những Trung tâm kiểm soát không lưu ngang tầm khu vực.
- Thu nhập hấp dẫn, tăng dần theo năng lực và kinh nghiệm: Nghề Kiểm soát Không lưu được đánh giá là một trong 10 ngành nghề đang có mức lương cao nhất tại Việt Nam.
- Cơ hội phấn đấu, thể hiện năng lực bản thân.
- Các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và Tổng công ty